Để chăn nuôi bê sữa đạt hiệu quả cao, việc chăm sóc nuôi dưỡng bê con từ giai đoạn sinh đến lúc cai sữa đóng vai trò quan trọng. do trong giai đoạn này, bê con rất nhạy cảm, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.
Nội dung chính
1. Đối với bê con mới sinh
- Sau khi sinh phải móc hết chất bẩn trong miệng, mũi của bê. Lau sạch toàn thân bê bằng vải sạch hoặc rơm khô hoặc để cho bò mẹ liếm.
- Bóc móng rồi dùng kéo đã sát trùng cắt rốn cho bê, vết cắt cách gốc rốn khoảng 10 – 15 cm và sát trùng rốn bằng cồn iốt 5% hay cồn 750. Tiếp tục cân trọng lượng, Trọng lượng bê sơ sinh lớn hơn hoặc bằng 25 kg là đã đạt, nên đặt tên hoặc đánh số cho bê để dễ quản lý sau này. Sau đó đưa vào ổ rơm để giữ ấm, không để bê bị lạnh. Trong 10 ngày đầu sau khi sinh nên cho bê vận động dưới ánh nắng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu canxi tránh bệnh còi xương
- Khi mới sinh ra, sức đề kháng của bê con lúc chào đời vẫn còn yếu, do đó chuồng trại ẩm ướt, dơ bẩn dễ làm bê con cảm lạnh và mắc nhiều chứng bệnh. Vì vậy, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khô ráo. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi nên chú ý dọn dẹp phân trong chuồng thường xuyên, nước tiểu cần được thoát tiêu tốt ngay sau khi được thải ra, che chắn chuồng trại tránh gió lùa mưa dột… giúp bê có môi trường sống tốt nhất.
2. Bú sữa đầu
- Bê sinh ra có thể chưa hoàn toàn thích nghi với môi trường mới, dễ nhiễm bệnh nên sau khi đẻ 1 giờ cho bê bú sữa mẹ ngay, bú sữa đầu càng sớm và càng nhiều lần càng tốt, vì sữa đầu có nhiều protein, vitamin, khoáng hơn sữa thường. Đặc biệt là trong sữa đầu có Globulin, kháng thể giúp cho bê có khả năng kháng bệnh tật.
- Bê được nuôi bằng sữa đầu 03 ngày liền, lượng sữa cung cấp hàng ngày 4 – 5 kg/con và cho uống tối thiểu 02 lần/ngày. Từ ngày thứ 04 có thể pha thêm sữa thường, cho bê làm quen với thức ăn thay sữa; giai đoạn này có thể tập cho bê ăn thức ăn tinh bằng cách rãi ra mâm hoặc nền chuồng cho bê liếm. Đến ngày thứ 7 – 8 thì bê đã quen dần với cám hỗn hợp, để đến khi đạt 10 ngày tuổi có thể đưa ra chuồng nuôi.
- Trước khi cho bê bú, cần phải vệ sinh chuồng trại, vú bò mẹ phải được lau sạch. Trường hợp bò mới đi làm về thì nên cho nghỉ ngơi 30 – 45 phút mới cho con bú. Nếu vú bị viêm phải chữa trị để tránh bê viêm ruột
- Các dụng cụ cho bê uống (bú) phải luôn sạch sẽ và tiệt trùng. Đối với bò sinh không phải bò sữa, sau khi bê con sinh ra cứ để bê theo mẹ bú tự nhiên, không cần hạn chế. Lượng sữa đầu dư thừa có thể đem bảo quản lạnh để dành khi cần thì lấy ra dùng dần hoặc sử dụng cho bê con khác bú
3. Tập ăn cho bê sớm
- Sau 15 ngày tập cho bê ăn rơm khô, cỏ tươi, thức ăn tinh hỗn hợp cho ăn xen vào giữa hai bữa uống sữa, còn rơm khô, cỏ tươi luôn có trong máng để bê ăn tự do. Tuy nhiên, lượng cỏ cho ăn phải giới hạn cho đến khi bê có thể tiêu thụ 0,75 kg thức ăn tập ăn/ngày. Nếu cho bê ăn rơm mà thấy bê không tiêu thụ hết lượng thức ăn tập ăn thì ta nên ngưng không cho ăn cỏ tiếp vì bê sẽ không phát triển tốt khi khẩu phần chỉ là rơm trong thời gian này. Lượng sữa cho bê uống bắt đầu giảm từ tháng thứ 2 và thay vào đó là các loại thức ăn tinh.
- Cám hỗn hợp dùng nuôi bê trong thời gian này có hàm lượng protein từ 16 – 17% trở lên.
- Để bê phát triển tốt về sau, bê 03 tháng tuổi (cai sữa) phải tiêu thụ hết khẩu phần ăn như sau: 2,5 – 3 kg cỏ tươi và 2,5 -7 kg cám hỗn hợp trong ngày. Bê đạt trọng lượng lúc cai sữa trên 80 kg là đạt yêu cầu.
- Chú ý cho bê uống nước sạch tự do và thay nước máng uống hàng ngày.
4. Đối với bê cái từ cai sữa đến 06 tháng tuổi
- Giai đoạn này bê đang hoàn thiện bộ máy tiêu hóa, nhất là dạ cỏ để tiêu hóa hiệu quả thức ăn thô.
- Cho bê chuyển sang ăn các loại cám hỗn hợp hàm lượng protein thấp hơn (15 -16% protein). Cám hỗn hợp nên tăng dần từng tuần, mỗi tuần tăng khoảng 80 gram. Khẩu phần bê 6 tháng tuổi gồm 17 kg cỏ tươi và 1,5 kg cám hỗn hợp 15 -16 %protein. Bê lúc 6 tháng tuổi của giai đoạn này có trọng lượng trên 140 -150 kg là đạt.
- Nước uống tự do, luôn có nước trong chuồng cho bê và thay nước hàng ngày.
5. Đối với bê cái từ 7 – 12 tháng tuổi (Hậu bị)
- Giai đoạn này dạ cỏ bê đang tiếp tục phát triển, tăng lượng thức ăn xanh và rơm từ từ. Thức ăn tinh 02kg/con/ngày, chia làm 02 bữa (sáng, chiều), có thể cho ăn cùng với cỏ thô xanh.
- Nên chọn cỏ tươi, cắt non chia làm nhiều bữa cho bê ăn. Tốt nhất cỏ xanh nên thường xuyên có trong máng ăn.
- Cung cấp đủ nước uống sạch, tự do. Tốt nhất sử dụng chén uống tự động.
- Tẩy giun sán, tắm ve, tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ.
- Giai đoạn này, bê tăng trọng bình quân 16 kg/tháng, đến 12 tháng tuổi bê đạt trọng lượng khoảng 230 kg là đạt yêu cầu.
- Lưu ý bê cái hậu bị thường động dục lần đầu vào lúc 12 tháng tuổi. Nhưng không nên phối vì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
6. Đối với bê giai đoạn từ 13 – 18 tháng tuổi (cái tơ).
- Chuồng nuôi cần khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát đảm bảo vệ sinh tránh cho bê bị mắc bệnh viêm móng quá sớm.
- Đảm bảo cung cấp đủ cỏ xanh, rơm cho bò tơ ăn hàng ngày, nên chia cho ăn 02 – 03 lần/ngày.
- Cám hỗn hợp 02 kg/con/ngày, chia làm 02 lần (sáng, chiều), có thể trộn chung với cỏ xanh cùng các thực liệu khác và cho ăn theo khẩu phần phối trộn TMR
- Cung cấp đủ nước uống sạch, tự do. Tốt nhất sử dụng chén uống tự động.
- Định kỳ tẩy giun sán, diệt ve, tiêm phòng dịch bệnh theo yêu cầu của thú y địa phương.
- Lưu ý: Giai đoạn này bê tăng trọng bình quân 16 kg/tháng, đến khi 18 tháng tuổi bê có thể đạt trọng lượng bình quân khi phối giống là 320 – 350 kg là đạt yêu cầu.