Hiện nay, thời tiết mùa đông diễn biến ngày càng phức tạp, rét đậm, rét hại thường xảy ra bất ngờ đòi hỏi người chăn nuôi không được chủ quan và cần có kiến thức, kinh nghiệm để chống rét cho vật nuôi hiệu quả.
Thời tiết lạnh giá không chỉ ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi mà còn gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe của vật nuôi. Khi nhiệt độ xuống thấp, đàn vật nuôi dễ bị giảm sức đề kháng, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng để duy trì thân nhiệt, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm khác. Đối với gia súc như trâu, bò, tình trạng đói rét kéo dài trên 10 ngày có thể khiến sức khỏe suy giảm đáng kể, giảm khả năng hồi phục. Ở gia cầm, thời tiết lạnh làm tăng tỷ lệ chết, đặc biệt ở gà con và những đàn không được chăm sóc chu đáo.
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực này, người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các biện pháp dưới đây:
1.Chuẩn bị thức ăn
- Đối với trâu bò, cần dự trữ và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía và dây khoai lang để làm thức ăn. Những nguyên liệu này có thể ủ chua hoặc ủ với urê nhằm tăng giá trị dinh dưỡng. Đặc biệt trong những ngày rét đậm, cần bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, ngô và cháo cám ấm để tăng năng lượng cho đàn.
- Đối với gia cầm, cần cho ăn đầy đủ khẩu phần các loại cám có chất lượng tốt và ổn định, đảm bảo nước uống ấm cho gà con để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Đối với heo, nên bổ sung thêm tinh bột và đạm vào khẩu phần ăn, chẳng hạn như trộn cám gạo, ngô hoặc khoai với thức ăn chính. Ngoài ra, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ giúp tăng sức đề kháng cho đàn heo trong điều kiện thời tiết lạnh. Bà con có thể sử dụng B.complex với hàm lượng từ 5-10 g/con/ngày, giúp bổ sung đầy đủ các vitamin thiết yếu và biotin, heo ăn khoẻ, lớn nhanh, da hồng hào, chống stress, còi cọc khi thời tiết rét đậm, rét hại.
2.Chuẩn bị chuồng trại
- Đảm bảo chuồng trại luôn được che chắn kín để tránh gió lùa, nhưng vẫn giữ được sự thông thoáng. Nền chuồng cần khô ráo, có thể trải rơm, rạ hoặc mùn cưa để giữ nhiệt. Những ngày giá lạnh cần thả vật nuôi muộn, nhốt sớm. Người chăn nuôi cần duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần Iot như I.F -100 (Iodine 10%) khoảng 1-2 lần/tuần).
- Việc sử dụng bóng đèn sưởi hoặc các loại lò đốt bằng trấu, than hoặc mùn cưa để giữ nhiệt là rất cần thiết, nhất là khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.
3.Sử dụng các sản phẩm bổ trợ và tiêm phòng vắc-xin
- Trong thời tiết lạnh, cơ thể vật nuôi dễ bị suy giảm hệ miễn dịch, do đó việc bổ sung thêm vitamin, khoáng chất và các loại thực phẩm bổ trợ sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Đối với gia cầm, nhiệt độ lạnh kết hợp với độ ẩm cao luôn là tác nhân gây ra bệnh hô hấp, đe doạ sức khoẻ vật nuôi. Bà con nên sử dụng tinh dầu thảo dược Miarom L hỗ trợ sát khuẩn, kháng viêm, long đờm khi vật nuôi có những triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp; phun xung quanh chuồng cải thiện chất lượng không khí, chuồng nuôi thông thoáng hơn, với liều dùng như sau:
– Pha nước uống: 100 – 250 ml/1000 lít nước uống
– Phun: Pha loãng với tỷ lệ 1 lít/100 lít nước.
- Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh là biện pháp thiết yếu để ngăn ngừa dịch bệnh phổ biến trong mùa đông như cúm gia cầm, bệnh tụ huyết trùng, và các bệnh về đường hô hấp.
Sự biến đổi khó lường của thời tiết đòi hỏi người chăn nuôi phải chủ động phòng chống rét một cách bài bản và liên tục theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi. Chỉ khi thực hiện tốt các biện pháp trên, bà con mới có thể giảm thiểu thiệt hại và duy trì hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.