Bệnh dịch tả trâu bò là bệnh truyền nhiễm cấp tính với khả năng lây lan nhanh chóng do virus gây ra với tỷ lệ chết cao trên trâu, bò (tỷ lệ chết 80-90% đối với thú mẫn cảm),
1. Nguyên nhân bệnh
Bệnh do Virus thuộc họ Paramyxoviridae, giống Morbillivirus gây ra
Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào thời gian hè và đầu thu.
Virus dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là mảng niêm mạc ống tiêu hóa gây ra tình trạng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.
Bệnh lây lan trực tiếp và gián tiếp từ trâu, bò bệnh sang trâu, bò khỏe do tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chăn thả cùng bãi, qua dụng cụ chăn nuôi, người nuôi hoặc do ăn uống phải thức ăn, nước uống cỏ chứa mầm bệnh, do trâu, bò bệnh thải ra qua phân, nước tiểu, các chất dịch bài xuất.
2. Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh thông thường từ 3 – 9 ngày, có những trường hợp kéo dài từ 12 – 15 ngày.
- Thể quá cấp: Bệnh phát ra nhanh chóng. Niêm mạc đỏ ứng. Con vật chết nhanh trong khoảng 12 – 24 giờ. Có khi chưa kịp ỉa chảy thì đã chết. Thể này ít thấy.
- Thể cấp tính: Đây là thể này thường gặp nhất. Ở thể này, con vật ủ rũ, run rẩy, nghiến răng, mắt lờ đờ, lưng cong, lông dựng, kém ăn hoặc bỏ ăn. Sốt cao (40 – 410C), mũi khô, niêm mạc (miệng, mắt…) có những điểm xuất huyết. Con vật chảy nước mắt, có dử. Mũi viêm chảy nước, lúc đầu lỏng vàng đục, sau đặc có mủ, mùi hôi thối. Ở gia súc cái âm hộ sưng đỏ, mép âm hộ chảy nước vàng, nhớt có màng giả. Niêm mạc miệng viêm đỏ sẫm hay tím nhạt, có vết loét, mụn loét bằng hạt thóc, hạt ngô, đồng xu hay từng mảng, phủ một lớp bựa màu vàng xám. Thời kỳ đầu phân táo bón, sau ỉa chảy phân loãng. Phân có lẫn máu màu nâu đen và có màng giả, mùi thối khắm… Con vật thở nhanh, khó, tim đập nhanh, yếu dần chết. (Tỷ lệ chết cao có thể lên đến 90 – 100%). Trâu, bò cái có chửa thường đẻ non hoặc sảy thai.
- Thể mãn tính: Con vật gầy còm, lông dựng, thở dốc, ỉa chảy. Những con vật này chứa và lây lan mầm bệnh.
3. Bệnh tích
- Niêm mạc miệng, dạ múi khế, van hồi manh tràng và các phần ruột khác nhau có tình trạng tụ máu. Đồng thời, có thể tìm thấy những vết loét màu đỏ, lớn như hạt đậu hoặc hạt đỗ. Đôi khi, những vết loét này có thê mang màu tím hoặc màu xám.
- Gan vàng úa, dễ nát ngay khi chạm vào.
- Túi mật sưng to. Niêm mạc túi mật có tình trạng tụ máu và xuất huyết nặng.
- Lá lách, thận, màng treo ruột sưng. Có tình trạng tụ máu và xuất huyết tương tự như ở niêm mạc túi mật.
4. Phòng bệnh
Khi chưa có dịch
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho cả đàn định kỳ mỗi năm từ 1 – 2 lần, nhất là những vùng có nguy cơ mắc bệnh cao, vùng xung quanh các ổ dịch cũ, vùng đã từng xảy ra dịch bệnh.
- Vệ sinh môi trường xung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ, tăng cường vệ sinh đàn gia súc .
Khi có dịch
- Thường xuyên kiểm tra và phát hiện ra những con trâu, bò bị bệnh để nhanh chóng cách ly ra khỏi đàn.
- Tiêm huyết thanh dịch tả cho trâu bò nghi mắc bệnh.
- Tiến hành công bố dịch và nghiêm cấm hoàn toàn việc giết mổ, vận chuyển gia súc.
- Đối với những con trâu bò bị chết do bệnh dịch tả cần phải chôn sâu 2m, đổ vôi sát trùng và lấp đất cẩn thận.
- Vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng dung dịch nước vôi 10% hoặc Crezin 2 – 3% và để trống chuồng 30 ngày
5. Điều trị
Hiện nay ở Việt Nam bệnh dịch tả chưa có thuốc đặc trị. Trong trường hợp mới phát, con vật chưa bị ỉa chảy có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả trâu bò.
- Trường hợp bệnh mới phát, trâu bò chưa bị ỉa chảy, có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả với liều lượng từ 60 – 100ml/ngày/con (đối với bê, nghé dưới 100kg), từ 100 – 160ml/ngày/con (đối với bò từ 100 – 200kg) và 160 – 200ml/ngày/con (đối với bò từ 200kg trở lên).
- Khi trâu bò bị sốt cao thì bà con sử dụng thuốc Urotropin 10% để tiêm dưới da, với liều lượng 10ml/ngày.
- Khi trâu bò bị tiêu chảy dữ dội, tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý chống mất nước